Chương trình au pair thời gian gần đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt đến từ các bạn trẻ trong độ tuổi từ 18-26 (độ tuổi trong giới hạn mà bạn có thể đăng kí tham gia). Các bạn đã được nghe nhiều về những lợi ích thú vị mà chương trình mang lại: Được đặt chân đến nước Mỹ xinh đẹp, được trao đổi văn hoá với người bản xứ (cụ thể là host family- gia đình nuôi), được đi du lịch tự túc hoặc với gia đình họ, được kết bạn tứ phương…
Tuy nhiên, cũng như bất cứ công việc nào hay bất cứ chương trình nào, bạn cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn riêng, hãy đọc thật kĩ và nằm lòng những điều được liệt kê trong bài viết này, bởi thử thách có thể còn đó nhưng khi bạn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì nó sẽ không còn quá đáng sợ nữa.
– Điều đầu tiên, “jet lag”. Với những bạn chưa quen đi xa sang hẳn một múi giờ khác thì khả năng bạn bị jet lag là rất cao. Jet lag xảy ra khi bạn di chuyển từ múi giờ này sang múi giờ khác mà cơ thể bạn thì chưa kịp thích ứng. Như từ Việt Nam sang Mỹ có thể bị lệch tới 15 giờ, các chuyên gia cho rằng bạn phải mất một ngày để làm quen với 1 múi giờ lệch. Khi bị jet lag bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi lúc buổi sáng vì cơ thể bạn vẫn quen với múi giờ cũ (đang là đêm) và ngược lại.
Tips: chỉ cần bạn cố gắng ngủ được vào buổi tối thì bạn có thể vượt qua jet lag nhanh hơn.
– Điều thứ 2, tụi trẻ khó kết bạn với bạn. Có những đứa trẻ đã quen với việc nhà có au pair thì sẽ rất dễ cho bạn, các em hoàn toàn tự nhiên và chào mừng bạn tới nhà. Tuy nhiên, với những em bám mẹ hay không quen với việc có au pair tới nhà, các em sẽ phải mất một thời gian để chấp nhận bạn. Những lúc như vậy, bạn hãy thật kiên nhẫn và bình tĩnh, đừng sấn sổ vào chơi, các em có thể sẽ càng chạy xa hơn. Hãy từ từ và quan sát biểu hiện của các em, thường là dần dần khi các em thấy bạn dễ tính, vui, có nhiều ý tưởng chơi hay ho thì các em sẽ tự động tới bên bạn. Vậy nếu các em ấy từ chối mọi sự nỗ lực của bạn hoặc tỏ ra bạo lực, nói hỗn thì sao? Bạn hãy thẳng thắn ngồi nói chuyện với gia đình nuôi, họ là người hiểu rõ con mình nhất, ít nhất họ có thể cho bạn lời khuyên về cách chơi với tụi nhỏ, bạn cũng có thể nhờ vậy mà nhìn ra cách dạy trẻ của gia đình. Sau đó nếu như vẫn thấy khó khăn, bạn hãy liên hệ với Expert Aupair để nhận sự giúp đỡ của tổ chức. Khi nào mọi sự cố gắng đều không mang lại kết quả thì lúc đó bạn có thể rematch- tìm gia đình nuôi khác.
– Nếu bạn cảm thấy cách nuôi dạy trẻ của gia đình quá khác với cách mà bạn nghĩ hoặc có thể học để chấp nhận? Không phải gia đình Mỹ nào cũng dạy con một cách khoa học và đúng đắn, có nhà thì kỉ luật quá khó khăn, có nhà lại chiều con quá đáng. Bạn hãy để ý quan sát để nhận ra điều này. Bạn hoàn toàn có thể ngồi xuống nói chuyện với host family về những thắc mắc và băn khoăn của mình, hãy chắc chắn rằng bạn đang nói với tinh thần xây dựng chứ hoàn toàn không có ý chỉ trích họ, hãy biết cách sử dụng từ ngữ và thái độ, giọng điệu nói chuyện sao cho truyền tải tốt nhất ý kiến của bạn.
– Còn nếu bạn không hòa hợp được với người lớn trong nhà? Cũng như vậy, bạn nên thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng, ngồi xuống nói chuyện với họ để 2 bên hiểu mong muốn và nguyện vọng của nhau trước. Nếu cần sự giúp đỡ của Expert, bạn hoàn toàn có thể liên hệ người phụ trách khu vực của bạn để nhận được sự hỗ trợ từ phía tổ chức. Bạn cũng có thể đề nghị rematch nếu bản thân cảm thấy sau mọi nỗ lực, 2 bên vẫn không tìm được ra tiếng nói chung.
– “Shock” văn hóa. Bạn có thể sẽ trải qua cảm giác nhớ nhà, cảm giác giống như mình không thuộc về đất nước xa lạ này, bạn sẽ nhớ cuộc sống trước đây ở Việt Nam – nơi có người thân, bạn bè của bạn, và có đôi khi sự khác biệt quá lớn về cách sống, ăn, ở, làm việc…sẽ làm tiêu hao quá nhiều năng lượng của bạn. Bạn biết không, mỗi au pair khi sang đều sẽ trải qua những điều y hệt như bạn bây giờ, mức độ nhiều hay ít mà thôi, liệu bạn có đủ mạnh mẽ để đương đầu với những điều nay và vượt qua? Liệu bạn có dám thay đổi để hòa nhập được với cuộc sống mới? Chính bạn là người quyết định, tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng, nơi đây có Expert sẽ luôn đồng hành cùng bạn
– Bạn chưa tự tin vào khả năng tiếng Anh của mình. Điều này cản trở bạn đi ra ngoài và kết thêm bạn mới, bạn thấy sợ hãi khi mỗi lần gặp chuyện là phải ngồi xuống nói chuyện đối mặt với host, hay cả với người phụ trách khu vực của bạn từ Expert. Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ cố hữu này là…cứ nói đi. Bạn có nhớ cái lần nhìn hay nghe thấy một người nước ngoài nào cố gắng nói tiếng Việt và bạn nghĩ họ thật giỏi không? Người Mỹ cũng sẽ nhìn về bạn y như vậy. Nhìn bạn xem, bạn đã pass bài phỏng vấn đầu vào của Expert, pass luôn phần phỏng ván khó nhằn từ đại sứ quán, bạn đã rất giỏi, rất mạnh mẽ rồi. Bây giờ chỉ cần thêm 1 chút “không sợ sai” thôi, không biết từ nào thì đã có Google dịch, hãy tin tưởng vào bản thân mình nhé.
Trên đây là một số trong những khó khăn mà bạn sẽ gặp phải, đằng nào cũng sẽ phải va vào chúng trên đường đời, tại sao chúng ta không nhìn nhận những điều này như một cơ hội tuyệt vời để phát triển bản thân mình nhỉ.
Chị xin chúc tất cả các bạn có đủ mạnh mẽ để sải cánh bay xa hơn, biến thành những chú chim đại bàng thực thụ, các bạn đã và đang làm rất tốt rồi.
No responses yet