Aupair được coi như một chương trình GAP year được rất nhiều các bạn trẻ trên thế giới yêu thích. Phần lớn các bạn sẽ đi ngay sau khi tốt nghiệp hoặc sau một vài năm làm việc.  

“Gap year có ích lợi gì?” 

Bằng việc đi tới một đất nước xa lạ, bạn đang cho bản thân cơ hội được làm mới mình. Hãy thử nghĩ mà xem, ở đây, không ai biết quá khứ của bạn, không ai biết bạn đã từng hay xấu hổ như thế nào, cũng không ai quan tâm chiếc váy của bạn có làm da bạn xỉn đi hay không, căn bản là họ có việc của họ, và vì vậy, bạn được tự do.  

Chỉ cần bạn nhận ra điều trên, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Bạn biết rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng được nhận sự tôn trọng, chứ không phải là ánh mắt soi mói.  

‘Gap year’ – đặc biệt khi bạn chọn đi tới một đất nước hoàn toàn nói tiếng Anh, bạn sẽ luyện được phản xạ nghe và nói cực nhanh, đây cũng là lí do có rất nhiều các bạn trẻ đến từ châu Âu, Á…chọn Mỹ để sang làm aupair. 

“Aupair cho bạn điều gì?” 

  • Kinh nghiệm đi phỏng vấn: 

+ Trước khi đăng kí chương trình, bạn đã cần phỏng vấn với agency. Sau đó, khi có gia đình nuôi liên hệ bạn cần gọi điện video call với họ trước khi đồng ý match. Bước tiếp theo bạn sẽ đi phỏng vấn visa ở đại sứ quán. Rồi sau 1 năm ở với nhà host, nếu bạn muốn đổi gia đình nuôi khác thì bạn cũng sẽ phỏng vấn thêm với một vài nhà.    

  • Kinh nghiệm trông trẻ: 

+ Hiển nhiên rồi phải không! Vì bạn sẽ giành phần lớn thời gian ở cạnh các bé nên chắc chắn bạn sẽ hình thành thói quen và nhận ra những ‘dấu hiệu’ khi bé đói, giận, vui vẻ, tò mò…  

+ Bạn sẽ học thêm rất nhiều điều từ các bạn nhỏ. Ví dụ như buồn thì cứ khóc, vui thì cười thật to, giận thì hãy giậm chân đùng đùng. Giữ lại cảm xúc quá lâu mà không được giải tỏa đôi khi sẽ khiến bạn càng mệt mỏi hơn. 

+ Bạn sẽ được đổi vai liên tục. Lúc thì là chị cả chỉ dạy cho em những điều nên và không nên làm, lúc lại là cô giáo dạy các em làm bài thủ công hay hướng dẫn làm bài tập về nhà, ngay sau đó bạn lại trở thành bạn thân cùng chơi đồ chơi, rồi một hồi sẽ thành cô bảo mẫu thành thục các bước làm những món ăn ngon bổ, cuối ngày bạn sẽ trở lại cương vị người chị để đọc sách cho em và nói chúc ngủ ngon.  

+ Bạn sẽ nằm lòng những phương pháp ‘đánh lạc hướng’ để dỗ trẻ ngừng khóc quấy. Đối với mỗi em bạn cần sử dụng những ‘chiêu’ khác nhau. Có em sẽ thích đi dạo để xả bực dọc, có em lại chỉ muốn ở một mình suy nghĩ, có em sẽ đòi ăn, có em lại đòi mẹ… Bạn sẽ luyện được khả năng phản ứng cực nhanh nhạy trong mọi tình huống.  

+ Bạn cũng sẽ được học về dinh dưỡng cho trẻ. Ví dụ như ở độ tuổi nào thì bé bắt đầu có thể ăn đồ ăn mềm, cứng, rồi ăn cơm như người lớn. Khi nấu ăn bạn không nên dùng quá nhiều gia vị (đường, muối, ớt…) sẽ không tốt cho dạ dày đang phát triển của trẻ. Và nhiều điều khác nữa. 

  • Kinh nghiệm giải quyết xung đột 

+ Làm aupair cũng giống như bạn làm dịch vụ chăm sóc khách hàng vậy. Khách hàng chính là các em nhỏ, khách hàng phụ (mà đồng thời cũng là boss) chính là bố mẹ nuôi (host parents). Bạn phải làm sao khiến các bên đều hài lòng. Đôi khi điều đó nghĩa là bạn phải tìm được một cách giải quyết mang tính cân bằng để thỏa mãn yêu cầu của cả 2. Ví dụ như khi bé đòi ăn kẹo mà bố mẹ nuôi không cho phép bé ăn trước khi đi ngủ như vậy, bạn sẽ phải tìm một cách sáng tạo hơn để nói, như “Em có thể CHỌN kẹo bây giờ nhưng chị sẽ CẤT đi giúp em, sáng mai em dậy ăn sáng xong chị sẽ cho nhé.”  

+ Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng sẽ giải quyết ổn thỏa mọi thứ 100%, vậy nên khi xảy ra lỗi, bạn sẽ chịu nhận khiển trách. Những lúc như vậy, kinh nghiệm là bạn đừng nghĩ họ đang tấn công bạn. Hãy nghĩ rằng họ đang chỉ ra lỗi sai của bạn một cách thẳng thắn để bạn phải tâp trung sửa nó và không tái diễn nữa. Một khi bạn đón nhận khiển trách với một thái độ học hỏi và sẵn sàng thay đổi để tốt hơn, bạn sẽ cảm thấy đây thực ra là một điều tốt. 

+ Hãy giữ bình tĩnh trước nhất. Đôi khi sự khác biệt về văn hóa và cách giải quyết vấn đề sẽ dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm, nếu như bạn không bình tĩnh để có suy nghĩ thấu đáo trước thì sẽ rất khó để giải thích cho đối phương hiểu. Ví dụ như ở Việt Nam, nếu một đứa trẻ khóc và không muốn ăn cơm, nhiều gia đình sẽ tìm mọi cách để làm phân tán sự chú ý của bé: cho bé xem điện thoại, đưa đi chơi quanh ngõ… Nhưng nếu bạn làm như vậy ở các nước khác, khi văn hóa của họ là kể cả trẻ có quấy khóc thì cũng vẫn phải ngồi bàn ăn như người lớn, thì có thể sẽ gây ra sự khó chịu. Tốt nhất là bạn hãy hỏi họ trước khi làm, hoặc nhìn cách họ làm và học theo, còn khi đã mắc lỗi do không biết, thì giữ bình tĩnh đợi cơn giận nguội bớt rồi bạn từ từ giải thích, thông thường họ sẽ hiểu ra và còn xin lỗi vì đã hiểu lầm bạn nữa đó.  

+ Đôi khi bạn còn trở thành trung gian hòa giải cho cả gia đình. Khi xung đột xảy ra, bạn hãy cố gắng giữ ý kiến trung lập, tư tưởng là không có người nào hoàn toàn sai hoặc đúng, chỉ là quan điểm của họ đối với người khác là bất hợp lí mà thôi, như vậy, chỉ cần đặt bản thân mình vào người khác, nhìn sự việc dưới nhiều góc độ thì bạn sẽ dễ dàng hơn tìm được sự đồng cảm với họ.  

  • Sự tự tin 

+ Điều này phụ thuộc vào bạn là ai, nhưng phần lớn các bạn aupair khi đã hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc ở xứ người, các bạn đều trở về với một phong thái tự tin, trưởng thành và chín chắn hơn. Bởi vì các bạn đã được tiếp xúc với thế giới rộng lớn ngoài kia, đã có những trải nghiệm quý giá và đã dám đương đầu với các thử thách. Ngay cả việc nói chuyện tiếng Anh hằng ngày đã là một thử thách không hề nhỏ. Tuy nhiên bạn sẽ nhận ra rằng họ không đánh giá cách bạn nói tiếng Anh khắt khe như bạn tưởng tượng đâu. Đặc biệt Mỹ là một đất nước tập hợp rất nhiều chủng tộc khác nhau tới sinh sống, mỗi người lại có những câu chuyện riêng, vì vậy họ rất thoải mái với bất cứ trình độ tiếng Anh nào.  

+ Tự tin vì bạn đã có thể sống tốt khi phải xa gia đình tới một đất nước xa lạ làm việc. Bạn nên cảm thấy thật sự tự hào về bản thân, vì đã dám bước ra khỏi vùng an toàn và mở rộng nó.  

  • Không ngại thay đổi 

+ Điều này không phải đúng với tất cả mọi người, tuy nhiên, ít nhất bạn cũng đã làm quen với sự thay đổi. Bạn đã biết cách thích nghi với nó và vì thế bạn biết rằng mình hoàn toàn có thể sống được nếu phải một lần nữa thay đổi môi trường sống.  

+ Đối với những aupair đã đổi host nhiều lần, mỗi lần đổi là một lần các bạn lại gần như bắt đầu làm quen môi trường mới lại từ đầu. Bạn sẽ biết cách phải làm gì đầu tiên, như đi làm thẻ ID, mua sim điện thoại, kết bạn mới, khám phá khu vực mình ở. 

  • Biết cách xử lí khi có tình huống khẩn cấp 

+ Bạn làm việc với trẻ em, vì vậy an toàn là thứ phải được đặt lên hàng đầu. Trước khi sang Mỹ, bạn đã phải tham gia một lớp đào tạo sơ cứu và được cung cấp những số điện thoại trong trường hợp khẩn cấp, vì vậy bạn sẽ luôn trong tâm thế sẵn sàng để giúp đỡ khi cần. Đây không những là kĩ năng cần thiết cho chương trình, mà nó còn hữu ích với bạn trong cả cuộc đời.  

Trên đây là những lợi ích nhận được sau khi bạn tham gia chương trình Aupair tại Mỹ. Expert Aupair Vietnam hi vọng rằng bạn sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời bên gia đình host cũng như có cơ hội nâng cao những kĩ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này.   

Categories:

No responses yet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *